Vốn nhà ta giữ lắm người thương!

22/09/2020

Trong cuộc đời hoạt động của tôi, tôi làm việc nhiều ở nước ngoài, ít ở trong nước. Khi về nước gặp được những người nghiên cứu trong nước tôi rất thú vị và một trong những người tri âm tri kỷ hiếm có, vừa là bậc thầy vừa là người bạn tâm đắc của tôi là anh Mịch Quang.


Trong những nhà nghiên cứu về nghệ thuật tuồng, niềm hãnh diện lớn của truyền thống nghệ thuật VN, thì anh Mịch Quang có lẽ là một người nghiên cứu toàn diện và sâu sắc hơn cả, chẳng những về lịch sử tuồng mà cả phương  pháp nghệ thuật tuồng, kỹ thuật biểu diễn tuồng, cách viết tuồng, với nhiều phát hiện, tổng kết được nhiều người thừa nhận như “hiện thực tả ý”, “sân khấu tổng thể”. Anh không những là nhà lý thuyết mà còn là người thực hành, nghiên cứu sâu rộng mà viết tuồng cũng rất nhiều và hay, đối với tôi anh là một người văn võ toàn tài trong giới nghệ thuật vậy.

Việc anh Mịch Quang là một chuyên gia hàng đầu về tuồng thì ai cũng biết. Nhưng anh còn là một nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống dân tộc uyên thâm và sáng tạo. Điều đặc biệt tôi thấy ở anh Mịch Quang là tuy anh hoàn toàn sống trong nước, chưa đi nước ngoài bao giờ, lại gần như không  học ở trường nghệ thuật học danh tiếng nào hết, chỉ tự tìm tòi nghiên cứu mà đã đưa ra được những nhận định khoa học mang tính quốc tế. Tôi thấy hai anh em chúng tôi, anh Mịch Quang ở phương Đông tôi ở phương Tây, chúng tôi có những chuyện rất giống nhau từ trong phong cách, phương pháp làm việc cho đến những quan điểm về âm nhạc dân tộc Việt Nam.

Nhà nghiên cứu Mịch Quang.

Trong thời gian ở nước ngoài, được đọc những bài anh Mịch Quang viết đã đăng nhiều nơi nhất là đọc đi đọc lại hai cuốn sách “Âm nhạc với sân khấu dân tộc” và “Kinh dịch và nghệ thuật truyền thống” của anh, tôi thấy cảm phục anh trong tình trạng hiếm sách báo nước ngoài, lại “đơn thương độc mã” giữa rất đông “Lương Đăng” hiện đại mà Mịch Quang làm được nhiều việc, viết được nhiều câu khiến tôi không cầm được nước mắt. Tôi gặp rất nhiều tâm đắc trong hai cuốn sách của Mịch Quang.

Tôi thích thú nhận xét nhẹ nhàng của anh Mịch Quang về âm nhạc VN là đàn thì phải nhấn nhá, hát thì phải luyến láy. Đó là nhận xét thật hay!  Chỉ một câu đã tóm tắt rất tài tình đặc sắc khí nhạc và thanh nhạc truyền thống VN. Trong khi tôi đã phải dài dòng hơn khi nói về cái truyền thống của âm nhạc Việt Nam từ cách đánh đàn tranh như bàn tay mặt thì sanh đẻ ra âm thanh, bàn tay trái là bàn tay nuôi dưỡng và làm đẹp âm thanh, bàn tay mặt sanh cái xác mà bàn tay trái cho cái hồn. Cái nhấn nhá chính là cái hồn của nhạc Việt. Không có nhấn nhá, tiếng đàn chỉ là thanh chứ chưa phải là âm. Thanh có trường độ, cao độ, cưòng độ, có màu âm, nhưng chưa có chất âm nhạc. Chất âm nhạc đến từ bàn tay trái, từ trái tim ra, biến thanh thành âm, âm mới có hồn và âm nhạc mới hình thành. Chỉ âm nhạc Việt Nam và phương Đông mới phân biệt thanh và âm. Thanh chỉ có thuộc tính vật lý, còn âm mới là nghệ thuật. Chính nhấn nhá và luyến láy như anh Mịch Quang nói đã tạo nên cái màu, cái hồn của nhạc Việt.

Tôi rất vui sướng khi đọc các đoạn Mịch Quang phân tích về các bài học “học cho chết, dùng cho sống”, “thục giả bất vong tân chế điệu” trong kịch hát truyền thống cũng như quan hệ dân chủ, đồng tác giả giữa người sáng tác và người biểu diễn cùng sự phân biệt rất tinh tế các chữ “bài” – “bản”, “ca” – “hát” và hệ thống kỹ thuật thanh nhạc rất độc đáo trong âm nhạc truyền thống Việt Nam. Tôi rất đồng tình và chia sẻ sự phê phán sắc sảo thẳng thắn của anh Mịch Quang đối với quan niệm “dân tộc hiện đại” rất sai lầm của các vị “Lương Đăng” tây cho rằng âm nhạc dân tộc đồng nghĩa với lạc hậu lỗi thời và hiện đại tiên tiến dường như là thuộc tính đương nhiên của âm nhạc phương Tây. Tôi cũng luôn kiên quyết chống lại việc xem nhạc truyền thống dân tộc cần phải được “nâng cao”. Nhận thức thế nào mà coi nhạc truyền thống là thấp để phải “nâng cao”? Ai la người có khả năng “nâng cao” nhạc truyền thống. Mà nâng cao cái gì, bằng cách nào? Ký âm hò xự xang là thấp, đồ rê mí mới là cao? Một bè là thấp nhiều bè là cao? Đàn bầu, nhị, nguyệt, tranh là thấp, piano, violon là cao?…

Đặc biệt nhất phải nói là lý thuyết của anh Mịch Quang về cấu trúc động – mở trong âm nhạc VN cũng như âm nhạc châu Á khác với cấu trúc tĩnh và đóng của âm nhạc Phương Tây. Tôi cho đây là lý thuyết tuyệt vời. Khi đi giảng tại các trương  đại học Âu Mỹ tôi đã đề cập đến đặc sắc thẩm mỹ “chân phương hoa lá” của người Việt Nam trong âm nhạc mà tôi được học trong gia đình tôi và qua những buổi gặp gỡ nghệ nhân  Việt Nam trong cả nước sau này. Đó là quan niệm học nhạc, học một bài nhạc hay một cách đánh nhạc thì luôn luôn thì phải học theo chân phương hoa lá. Tức là học thì phải nắm cái cơ bản, vuông vắn, chân chất nhưng khi sáng tác, biểu diễn không thể đem nó ra nguyên si mà phải biết sáng tạo cho thêm hoa thêm lá của mình vào thì mới hay, mới đẹp được. Anh Mịch Quang đã khảo sát đặc sắc này cùng nhiều đặc sắc độc đáo khác của âm nhạc truyền thống Việt Nam để tổng kết thành lý thuyết cấu trúc động – mở. Lý thuyết này của anh Mịch Quang không chỉ đã nói rất đúng cái đặc sắc uyển chuyển của âm nhạc truyền thống Việt Nam, mà còn cho thấy âm nhạc truyền thống Việt Nam, phương Đông và âm nhạc Phương Tây là hai vẻ đẹp khác nhau của hai hệ thống khác nhau, được hình thành trên hai nền tảng triết học và mỹ học khác nhau. Hai hệ thống này không thể thay thế nhau, càng không triệt tiêu nhau mà chỉ bổ sung cho nhau để làm phong phú thêm âm nhạc thế giới. Đây là điều tôi gặp gỡ và tâm đắc vô cùng với anh Mịch Quang.

Nhà nghiên cứu Mịch Quang với GSTS Trần Văn Khê.

Có lẽ một người nghiên cứu trong nước mà có được phong cách khoa học  của anh Mịch Quang là lạ lùng lắm. Trước hết là bởi thái độ quí trọng cổ mà không “nệ cổ”, mở rộng tầm hiểu biết ra bên ngoài mà không “vọng ngoại”. Còn là bởi cách nhìn của anh là cách nhìn của quốc tế, cách nhìn toàn diện. Không chỉ nhìn âm nhạc dưới phương cách âm nhạc không mà nhìn âm nhạc trong bối cảnh văn hoá, bối cảnh xã hội với quan điểm của sinh học và khoa học hiện đại. Điều tôi chịu nhất ở anh Mịch Quang là quan điểm “không thể lấy ống kính của nhạc phương Tây mà nhìn âm nhạc VN”. Đúng quá rồi. Nếu chúng ta phân tách âm nhạc VN theo phương pháp dạy âm nhạc phương Tây thì chúng ta chỉ thấy bề mặt mà không thấy bề sâu, chúng ta chỉ thấy cái bên ngoài mà không thấy cái bên trong. Đi xa hơn, anh Mịch Quang đã vận dụng Kinh dịch và triết lý phương Đông lý giải rất thuyết phục bao nhiêu chuyện để tìm ra những quy luật của âm nhạc và nghệ thuật dân tộc. Đó cũng là con đường tìm tòi của tôi trong nhiều năm khi tôi cũng vận dụng Dịch lý để giải thích cái lồng bản đặc sắc của đờn ca tài tử. Bởi vậy, khi gặp anh Mịch Quang tôi có cảm giác mình đã gặp một người bạn thân của mình từ nhiều năm. Tư tưởng hai anh em rất phù hợp với nhau, thái độ đối với âm nhạc Việt Nam cũng vậy. Mình không quá tự tôn mình, tự coi mình là hay nhưng cũng không bao giờ tự ti, mặc cảm.  Ngày xưa ở thế kỷ 15, Lương Đăng thời nhà Lê căn cứ theo âm nhạc của nhà Minh để đánh giá nhạc Việt bị cụ Nguyễn Trãi kiên quyết phản đối. Còn bây giờ cũng có nhiều người cứ đem sách vở của phương Tây để hạ thấp nhạc Việt, tôi gọi đó là những “Lương Đăng” hiện đại. Chúng tôi đã cố học nhạc phương Tây đến nơi đến chốn nhưng không để âm nhạc đó chi phối khi nghiên cứu học hỏi âm nhạc truyền thống nước nhà mà tôi gọi là Quốc nhạc.

Tất cả những điều đó làm anh em chúng tôi, dù kẻ trong nước người ngoài nước, rất gần gũi với nhau, gặp gỡ thương yêu nhau, chân thành học hỏi giúp đỡ nhau, kính trọng, khích lệ nhau góp sức cho việc gìn giữ và phát triển âm nhạc và nghệ thuật truyền thống VN.

Anh Mịch Quang đã qua 90 tuổi rồi mà lúc nào cũng cầu học, say sưa tìm học mọi nơi mọi lúc, luôn luôn có những suy nghĩ tìm tòi mới. Mây năm trước, anh gửi tặng tôi cuốn sách mới rất giá trị “Khơi nguồn Mỹ học dân tộc” anh vừa cho xuất bản năm 2004. Đây lại là một cố gắng mới của anh từ thực tế nghiên cứu nghệ thuật truyền thống tổng kết thành những nguyên tắc của mỹ học dân tộc. Biết đây là việc lớn, việc khó, anh khiêm tốn gọi việc làm của mình chỉ là khơi nguồn là phác họa để dành việc hoàn chỉnh cho các thế hệ sau. Nhưng nếu không có những người khơi nguồn, phác họa thì biết bao giờ mới có người hoàn chỉnh được công việc thật cần thiết này.

Với lòng yêu mến và ngưỡng mộ, tôi thành kính chúc anh Mịch Quang trường thọ, đem được hiểu biết của mình truyền bá cho hậu thế để chúng ta có một thế hệ trẻ có phong cách nghiên cứu đúng đắn hầu đi tới những thành tựu khoa học xứng đáng với truyền thống của nghệ thuật và âm nhạc VN.

Nhân đây, tôi ghi lại bài thơ tôi tặng anh Mịch Quang, hoạ vận bài thơ của anh Mịch Quang gửi tặng tôi nhân dịp tôi được Nhà nước VN trao tặng huân chương Lao động hạng Nhất đầu năm 1999. Bài thơ nói lên tình tri âm tri kỷ và tấm lòng yêu thương thủy chung của anh em chúng tôi với âm nhạc và nghệ thuật VN.

 

Gửi anh Mịch Quang

Tạ tình tri kỷ bạn văn chương

Nghiên cứu, đôi ta, chọn đúng đường

Vọng ngoại, mình chê, nhiều kẻ ghét

Vốn nhà, ta giữ, lắm người thương

Dân ca luôn hát cao hơi vọng

Quốc nhạc thường đàn rộn tiếng vang

Với nhạc Việt Nam, ta vẫn trọn

Một lòng chung thuỷ của tình lang

 

(Dọc theo duyên hải Đại Tây Dương, ngày oi ả mùa hè 1999) 

 

GSTS Trần Văn Khê