Nhà hoạt động sân khấu sáng tạo – Học Phi

22/09/2020

Đối với tôi, anh Mịch Quang là nhà lý luận hàng đầu của sân khấu Việt Nam hiện đại. Trong thời đại Hồ Chí Minh, dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, sân khấu Việt Nam có không ít người làm công tác nghiên cứu lý luận, cả tuồng, chèo, cải lương, dân ca kịch, múa rối…nhưng không ai có những công trình khoa học tầm vóc, trí tuệ, có ảnh hưởng cả trong và ngoài nước như anh Mịch Quang. Đó là các công trình “Tìm hiểu nghệ thuật tuồng”, “Đặc trưng nghệ thuật tuồng”, “Âm nhạc và sân khấu kịch hát dân tộc”, “Kinh dịch và nghệ thuật truyền thống”, “Khơi nguồn mỹ học dân tộc”…Những công trình đó đã trao cho những người hoạt động sân khấu nói riêng, giới văn hóa nghệ thuật Việt Nam nói chung cơ sơ khoa học để tin rằng dân tộc ta có một truyền thống sân khấu và văn hóa nghệ thuật rất lớn, rất độc đáo, rất đáng tự hào để bảo tồn và phát triển. Những công trình đó còn giúp bạn bè thế giới hiểu đúng những cái hay, cái đẹp, những giá trị tinh hoa của sân khấu và văn hóa nghệ thuật dân tộc.


Nhà nghiên cứu, soạn giả kịch Mịch Quang.

Đọc các tác phẩm nghiên cứu lý luận của Mịch Quang, chúng ta bị lôi cuốn bởi sự uyên bác vè kiến thức và tư duy lý luận sáng tạo của tác giả. Không biết tích lũy từ bao giờ, mà Mịch Quang không chỉ hiểu rất sâu về tuồng mà còn cả chèo, cải lương, dân ca kịch, rồi âm nhạc, hội họa, kiến trúc dân tộc, không chỉ nắm vững triết học mỹ học Mác Lênin mà còn nắm vững Kinh dịch và triết học mỹ học phương Đông, rồi cả vật lý học, sinh học, điều khiển học hiện đại. Ở Việt Nam, có thể nói Mịch Quang là nhà nghiên cứu nghệ thuật đầu tiên ý thức được rằng muốn nghiên cứu nghệ thuật tốt phải hiểu biết thật sâu sắc triết học và các khoa học hiện đại về sự sống như sinh học và điều khiển học.

Thành công to lớn của Mịch Quang được tạo nên trên nền tảng của ý thức đúng đắn ấy. Thời còn làm Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam và Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, trong một số lần đưa các đạo diễn, nghệ sĩ nước ngoài đến xem một số tiết mục tuồng, tôi thấy khi được Mịch Quang giới thiệu, tuồng Việt Nam trở nên gần gũi và hấp dẫn hơn nhiều với các vị khách. Dường như Mịch Quang hiểu rất rõ các vị khách thế giới sẽ tiếp cận sân khấu truyền thống của ta như thế nào và đã thỏa mãn rất tốt yêu cầu tìm hiểu của họ.

Thấy được giá trị sự đóng góp khó ai có thể so sánh của Mịch Quang ở lĩnh vực  nghiên cứu lý luận sân khấu và nghệ thuật dân tộc, ở đợt xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật lần đầu tiên năm 1996, là thành viên của Hội đồng Giải thưởng năm đó, tôi đã đề nghị đưa Mịch Quang vào danh sách xét tặng của ngành tuồng, bên cạnh tác giả Tồng Phước Phổ. Tiếc rằng, do một số người trong Hội đồng chưa đánh giá đúng các thành tựu của Mịch Quang nên chỉ có 6/9 phiếu của Hội đồng chấp thuận. Bởi vậy, lần đó Mịch Quang chưa được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh mà chỉ được tặng Giải thưởng Nhà nước 5 năm sau đó, năm 2001.

Với nhà viết kịch Học Phi.

Chỉ nói riêng về thành tựu trong nghiên cứu lý luận, Mịch Quang đã xứng đáng được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Nhưng Mịch Quang đẩu chỉ có thành tựu trong nghiên cứu lý luận. Anh còn có cả những thành tựu không hề nhỏ trên lĩnh vực sáng tác với tư cách một trong những nhà soạn tuồng thành công sau cách mạng tháng Tám với các kịch bản “Má Tám” (Đoàn tuồng Bắc Trung ương, 1965), “Hộp truyền đơn” (Đoàn tuồng Liên khu 5, 1968), “Quang Trung” (Nhà hát tuồng Đào Tấn năm 1977), “Hai bà Trưng” (Đoàn tuồng Phú Khánh, 1985), “Thanh gươm hát bội” (Nhà hát tuồng Phú Khánh, 1987, Nhà hát tuồng Đào Tấn, 1988), “Nỗi lòng bà mẹ” (Nhà hát tuồng Phú Khánh 1989), “Bà mẹ làng Sen” (Nhà hát nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa, 2003)…

Về giá trị nội dung và nghệ thuật của các kịch bản vừa kể thì nhiều người đã nói và đã được khẳng định trong lịch sử tuồng và sân khấu Việt Nam thời hiện đại, tôi nghĩ không cần nói thêm gì hơn. Tôi chỉ muốn nói đến hai kịch bản kịch nói của anh Mịch Quang chưa được dàn dựng lên sân khấu mà tôi đã được anh cho xem trong đầu những năm 1970 và đầu những năm 2000. Đó là kịch bản “Bên bờ sông Hương” anh viết năm 1969 và kịch bản “Tên sát nhân và nhà tu hành” anh viết năm 2001. Anh gọi đó là hai kịch bản thể nghiệm kịch nói theo phong cách dân tộc.

Cần nói là trong quá trình nghiên cứu và sáng tác, trong Mịch Quang đã dần hình thành khao khát xây dựng một thể loại kịch nói không theo phương pháp kịch tính tả thực của sân khấu Tây Âu mà theo phương pháp tự sự ước lệ hay tả ý của sân khấu truyền thống dân tộc. Và anh đã dành nhiều công phu tâm huyết để hoàn thành hai kịch bản kịch nói độc đáo này.

Năm 1969, kịch bản “Bên bờ sông Hương” sau khi hoàn thành đã không được đơn vị kịch nói nào dàn dựng và Mịch Quang đành để nó trong ngăn kéo. Tuy vậy, anh không nản lòng, hơn 20 năm sau, anh lại trở lại ý định thể nghiệm kịch nói theo phong cách dân tộc với kịch bản “Tên sát nhân và nhà tu hành” theo tôi là rất hấp dẫn. Nhưng lại không may cho anh, giai đoạn này, những năm đầu thế kỷ 21, các đơn vị sân khấu đang trong cơn bĩ cực vì phải làm thương mại để tự cứu mình, chẳng ai còn mặn mà gì với thể nghiệm nên kịch bản tâm huyết của Mịch Quang vẫn chỉ nằm im trên trang giấy.

Tuy hai kịch bản này chưa được đưa lên sàn diễn nhưng đã chứng tỏ một tâm huyết to lớn, vô tư, bền bĩ của Mịch Quang đối với sân khấu kịch nói. Nó cũng là bẳng chứng cho thấy Mịch Quang luôn là một nhà hoạt động sân khấu sáng tạo, không ngừng nghỉ, không mệt mỏi, cả trong thành công và chưa thành công, trong suốt hơn nửa thế kỷ qua.

Nhân dịp Mịch Quang 95 tuổi, vì điều kiện sức khỏe không đến trực tiếp chức mừng anh được, tôi xin viết vài dòng cảm nghĩ về anh. Kính mong anh mạnh khỏe và tin rằng anh sẽ tiếp tục có những đóng góp mới cho sân khấu Việt Nam…

Tháng 5/2006

Học Phi

Nguyên Tổng Thư ký Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam